Golfer pro, Golf tour pro và tournament… ( hệ thống các giải golf hiện nay )
Vì cái bài viết thúc đẩy, thổi kèn trống trận golf Việt nhiều ý kiến quá, xin trần tình mô tả thêm ở cái topic này như vầy…
1.PGA Tour:
Đây là một nơi chen vào siêu khó, tồn tại được lâu (giữ thẻ đánh tour) thì càng khó hơn. Đọc tên các bạn trên tour đa phần đi lên từ học đại học, đánh tuyển trường top tier trên NCAA (giải thể thao sinh viên Mỹ) rồi mới tuyên bố chuyển qua đánh pro. Qua rồi có khi còn lận đận mãi các tour dưới, may mắn + tài năng xuất chúng đánh qualify mới ngoi vào được PGA tournament, có thẻ tour rồi chả chắc giữ được có khi lại rơi xuống tour dưới… PGA tour còn mở tour ở nước ngoài như PGA Canada-MacKenzie Tour, PGA LatinoAmerica, PGATour-China… PGA Tour cũng là chủ của các tour Korn Ferry Tour và LPGA Tour và tour người già PGATour Champions.
2. European Tour:
Phần nhiều cũng nhiều golfer sinh viên học ở Mỹ về đánh, còn lại là người Âu Châu hoặc Á Châu hoặc Nam Phi qua đánh. xét về độ “có học” thì thua bên Mỹ chút chút.
3. AsianTour, ADT, JPGA, KPGA, Thái Tour, Úc tour:
Thường là các tài năng học golf đánh ở đó, cũng nhiều golfer Úc, Tân Tây Lan thì đánh ở đó. Khi nào oánh hay có cơ hội nâng cấp tour thì lại chuyển lên cao hơn.
4. Tour cao thấp phân định thế nào:
Người ta vốn chả phân định gì ngoài tiền thưởng. Đánh pro để sống mà, nên tiền luôn là số 1 để định nghĩa độ nổi tiếng của Tour. Do vậy PGA là nhất, rồi tour liên kết nối các golfer giỏi các tour toàn thế giới, làm cho những nhà vô địch tour dưới có cơ hội hơn là WGC, rồi European tour… xuống nữa. Các giải major hàng năm cũng là nơi các golfer hàng đầu các tour có cơ hội đánh và nâng cấp.
5. Xét đến golfer đánh tour nước ngoài:
Hầu như tất cả golfer đánh trên tour đều CHƠI GOLF TỪ BÉ (tất nhiên có ngoại lệ của những tài năng muộn màng). Họ có đủ điều kiện lẫn tình yêu để chơi golf từ nhỏ. Lớn lên với tình yêu golf, bên bển thì đánh hầu khắp các giải lớn nhỏ (từ cỡ thành phố đến tầm thế giới) từ thời còn junior. Lớn lên vô đại học họ đánh golf tuyển trường trong lúc học thêm đủ kiến thức kỹ sư, bác sỹ, luật sư, cử nhân. Đấy mới là các golfer đánh tour ở Mỹ, ở Âu Châu. Các golfer ở các nước Á Châu lên tour có thể tiêu chuẩn thấp hơn chút, nhưng đều đi lên ít người phải lo đến đời sống, chứ sống cho đam mê thôi.
>> ĐỊA CHỈ UY TÍN BÁN GẬY GOLF CŨ, VỢT TENNIS CŨ NHẬP KHẨU NHẬT BẢN
6. Xét đến tour chuyên nghiệp Việt Nam:
Tour ở ta còn mới toanh, số nhà tài trợ còn ít, tiền tài trợ cũng ít. Các nhà tài trợ cho tour pro còn chưa quen, vì trước họ quen tài trợ giải phong trào chứ không chú trọng mấy đến tour của các golfer chuyên nghiệp. Hy vọng sự thu hút khán giả của tour pro sẽ mang nhiều nhà tài trợ đến với các tour pro trong nước. Hiện có hai hệ thống đánh tour lấy tiền, đây là hai tour thuộc quyền quản lý của hai công ty cổ phần tư nhân – giống như tất cả mô hình trên thế giới đều điều hành bởi các công ty làm ăn sinh lợi nhuận chứ không phải tổ chức nhà nước.
Một là VPGA Tour do anh Thái Dương khai sinh, đây là tour đầu tiên, nhưng vì mới nên còn tí vấn đề về với quản lý nhà nước hay sao đó mà cứ có giải lại có vài tin chống ngược. Hôm rồi trên GVN thấy có tin ở một báo bố của lá cải, được một lúc rồi lại thấy xoá bài, mình đọc được cười tí nữa ngã. Tuy nhiên dù mới tổ chức được vài giải nhưng các giải sau càng thành công hơn giải trước, gọi được nhiều tiền tài trợ hơn. Nỗ lực của Thái Dương rất đáng trân trọng theo thiển ý cá nhân của mình, không biết công ty có lãi chưa?
Hai là hệ thống VPG Tour sinh sau, cái này cũng hay cạnh tranh thì phải có đôi, công ty do một vài nhân sự VGA đầu tư làm (cái ni nghe nói chứ mình không đi hỏi chuyện này, vì tế nhị). Tuy mới, tài trợ còn khá khiêm tốn, nhưng cũng thu hút được nhiều golfer chuyên nghiệp và cả không chuyên nghiệp tham gia, và càng sau càng đi vào chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên tổng giải thưởng còn khá khiêm tốn (so với VPGA Tour) cho nên gây khó khăn cho các golfer chuyên nghiệp sống bằng golf tham gia. Nhiều bạn than lỗ dù qua cắt dù đánh trong top 10, top 20. Cho nên nếu tổ chức phía Bắc nhiều golfer Nam không thể tham gia, còn tổ chức phía Nam thì golfer phía Bắc cũng phải cân nhắc rất kỹ. Một điều nữa là nhiều golfer than tiền thưởng chậm ảnh hưởng đến chi tiêu của họ, do họ phải lo kiếm sống, chi phí tham gia giải bỏ liên tục sẽ rất khó cho họ tham gia đánh tour đều nếu không thu được tiền thưởng về. Hy vọng điều này sẽ được cải thiện sớm, các nhà tài trợ cũng nên chuyển tài trợ sớm để giúp các golfer pro tham gia nhiều trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” này. Công ty quản lý tour có lãi chưa thì chưa rõ, nhưng khó khăn trả thưởng là thấy rõ.
Do tour còn mới, nên chưa tổ chức nào “dám” phát hành thẻ tour và nêu điều kiện cho member tham gia chơi giải cuả mình. Cái này các công ty tour PGA đều làm rất tốt, và golfer tham gia tuân thủ chặt chẽ lắm. Công ty AsianTour năm 2015 mình tham gia trọng tài, luật BTC còn định ra phạt đánh chậm bằng tiền (500$, 1000$) mà có ông nào dám chống đâu, chống thì thu thẻ khỏi chơi tour, rứa thôi chứ chả làm gì sất. Lý do vì công ty tour (tư nhân) mạnh tiền quan hệ tìm được nhiều tài trợ nên golfer muốn chơi phải tuân theo luật lệ công ty đặt ra thôi. Theo mình biết thì ngoài luật golf, cơ quan quản lý golf VGA đại diện RnA không đặt ra được bất cứ luật gì quản trị người chơi golf lấy tiền cả, mà tiêu chí pro của giải sẽ phải do công ty chủ quản của giải chơi đặt ra, công ty này phải tuân thủ luật pháp nhà nước và giám sát về luật của RnA bởi VGA, nếu tiêu chí công ty đặt thối tai, giải lại bèo nhèo ít tiền, tour thì nhếch nhác, golfer pro bỏ giải thì chả ai chơi với nên họ muốn có lợi nhuận phải có nhiều golfer giỏi chơi cùng, đồng thời phải xin được tài trợ rất tốt từ các công ty bỏ tiền quảng bá.
Một ví dụ khá rõ là dù Trung Quốc to như thế nhưng PGA Tour vẫn có thể về làm ở TQ, họ có kinh nghiệm tổ chức, có khả năng và uy tín gọi tài trợ thì mới làm được giải và mời golfer xịn về chơi. Mặt khác nếu giả sử hợp tác chéo được với PGA (hoặc cổ đông cùng) thì vô địch giải có thể được phép qua Mỹ đánh một tour nào đó của PGA Tour, và nhiều golfer TQ đã được qua Mỹ oánh PGA. Điều đó mà xảy ra với nước ta thì đó là con đường ngắn nhất để golfer người Việt có cơ hội được đánh trên tour cao nhất thế giới. Hàn, Nhật, China, Europe đều như thế rồi… có như thế thì họ mới có cơ kéo nền golf lên nhanh hơn nữa.
Golfer ở Việt Nam còn quá non trẻ, các công ty hãy khoan nghĩ đến lợi nhuận cao, vừa đủ sống nuôi hy vọng thôi, hãy vì nền golf chuyên nghiệp xả thân làm hết mình. Hy vọng sau này thành quả đến thì hái cũng chưa muộn.
7. Golfer oánh kiếm tiền tour ở ta:
Do giải còn khá ít và giải thưởng tổng chưa được cao nên cũng chưa thu hút được nhiều golfer hàng đầu khu vực đến chơi. Hiện đối tượng chơi bao gồm:
Các golfer chuyên nghiệp hoặc thầy giáo golf ở các nước qua Việt Nam kiếm sống bằng nghề dạy golf. Úc có Mỹ có Anh có Nhật có Hàn có Thái có Đài có Nam Phi có… đặc điểm (trừ một số golfer còn trẻ) các golfer đều khá trọng tuổi, hết đánh trình độ cao được, qua làm nghề dạy golf để sống, một số lấy vợ Việt, một số có bồ Việt (có thể sẽ lấy) nói chung họ sống được bằng nghề dạy và có tình cảm với Việt Nam. Các golfer này khá thân thiện và thích nghi tốt với xã hội Việt Nam.
Các golfer trẻ Hàn, Thái vì nhiều lý do sang Việt dạy và sinh sống. Các golfer này còn trẻ, có sức khoẻ, đã từng ít nhiều chơi golf ở tour nước họ. Sang Việt Nam, được làm việc ở nơi thị trường golf đang phát triển và dễ kiếm sống hơn quê nhà. Đặc điểm của họ là có swing mượt mà, tour calib, thi đấu khá ổn định, trang bị, ăn mặc rất chuyên nghiệp, phong cách, thái độ chơi cũng rất chi là chuyên nghiệp. Ngoài họ ra, thì Duy Nhất của Việt Nam cũng có thể xếp vô nhóm này được. Cạnh tranh giữa Nhất với nhóm này là sòng phẳng vì họ không phải là thuộc lứa ngôi sao nước họ sang Việt Nam thi đấu.
Các golfer pro Việt Nam: ai cũng nhìn thấy, họ đi lên từ làm golf là chủ yếu. Đi lên từ làm thuê cho sân golf, cho sân tập, cho các công ty thiết bị dụng cụ golf… rất ít đi lên từ đánh golf từ nhỏ. Đặc điểm của họ là có năng khiếu thể thao, đến với golf khá là muộn màng, họ luôn phải lo kiếm sống, mà với golf thì cũng là tạm đủ chứ chưa thể sung túc không phải lo cơm áo gạo tiền. Công việc đa phần của họ là đi dạy, huấn luyện viên golf, làm sự kiện golf, bán đồ golf… nền golf Việt non trẻ rất cần họ. Họ cũng không đánh golf từ bé, khá ít người gia đình đầy đủ và đã qua trình độ đại học nên việc tiếp nhận cái mới khó có thể bằng các golfer pro bên PGA, nhưng bù lại họ rất chuyên cần và chuyên tâm tận tuỵ với golf. Với độ tuổi cao trên 30 là chủ yếu, việc chơi đỉnh cao suốt cả tuần với các golfer trẻ hơn luôn là áp lực rất lớn về cả kỹ thuật và thể lực. Nhưng sự cống hiến của họ là vô cùng cần thiết, nó làm cho lớp trẻ có mục tiêu vươn lên mạnh mẽ hơn.
8. Golfer đánh tour Việt không kiếm tiền:
Ngoài các golfer tham gia giải để kiếm tiền, còn rất nhiều golfer amateur hoặc junior amateur tham gia đánh cùng để cọ xát, để nâng tầm trình độ. Các giải pro nên dành một tỷ lệ đáng kể các slot để các cháu các em tham gia cùng, các bố mẹ của các tài năng trẻ nên cho các con tham gia cùng để giúp các con đánh hay hơn và để hoàn thiện các mục tiêu thi đấu. Các golfer này là ai?
Các golfer amateur tài năng đã thành danh (vô địch, á quân giải amateur quốc gia, giải khu vực…) học golf từ nhỏ, đặc điểm gia đình không có gì ngoài điều kiện, các golfer này có năng khiếu và cần nhiều sân chơi đỉnh cao để học hỏi cọ xát.
Các golf junior tài năng muốn tiến nhanh, các cháu có tài cần hoàn thiện mình ở những giải tính chuyên môn cao, tính tổ chức chuyên nghiệp, sân thiết kế tour chuẩn, tài liệu sân phát theo tiêu chuẩn quốc tế (yardage book), đội ngũ trọng tài chuyên nghiệp… có thế các con mới không bỡ ngỡ mà có những sai lầm không đáng.
Các golfer amateur tài năng thực sự đi ra từ đội ngũ doanh gia đánh golf muốn có cơ hội cọ xát với các golfer chuyên nghiệp đánh golf để sống thay vì có tiền rồi mới chơi golf. Giống ngày xưa đi học mình đánh độ billiard 3 bi với bọn “chủ bàn” cầm cơ là toàn cơ 15, sinh viên đi học ở trọ mà thắng mấy thằng đó mới phê. Trải nghiệm giải chuyên nghiệp luôn là khác hơn rất rõ rệt giải vô địch amateur là vì thế.
Đấy kiến thức hạn chế, kiến văn còn kém cỏi… nên chỉ liệt kê ra được như thế. Nếu sai đâu nhờ anh em giúp sửa lại nhé. Nếu thiếu đâu nhờ anh em bổ xung nhé.
Sonadt,
Tháng 9 năm 2019
Nguồn: Ngô Thanh Sơn – from GVN VietNam